top of page

Tình thân - Cốt lõi của sự kiên cường

Sự kiên cường được định nghĩa là khả năng ‘bật trở lại’ sau những khó khăn thử thách. Và để có thể hạnh phúc bền vững về sau, đứa trẻ nào cũng cần nuôi dưỡng khả năng kiên cường này.


NHÂN TỐ CỐT LÕI CỦA SỰ KIÊN CƯỜNG LÀ GÌ?

Điểm chung của rất nhiều những nghiên cứu về khả năng phục hồi (còn gọi là sự kiên cường) đều cho thấy rằng trẻ phục hồi nhanh hơn sau những tình huống căng thẳng, nếu chúng có ít nhất một mối quan hệ hỗ trợ với người lớn. W. Thomas Boyce, M.D. cho biết “thành phần cốt lõi tích cực quan trọng để xây dựng sự kiên cường là chất lượng của mối quan hệ giữa trẻ với một hay nhiều người lớn quan tâm đến chúng”. Người lớn quan tâm ở đây gần nhất là cha mẹ, hoặc đó có thể là ông bà, cô dì chú bác, hoặc thầy cô giáo, tuỳ vào hoàn cảnh mà đứa trẻ lớn lên.


NHƯ THẾ NÀO LÀ MỐI QUAN HỆ HỖ TRỢ?

Đó là mối quan hệ mà ở đó người lớn hiểu và đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Có hai nhu cầu chính (1) nhu cầu về thể chất và (2) nhu cầu về tình cảm.

(1) Nhu cầu thể chất bao gồm những thứ như thức ăn, nước uống, chỗ ở, giấc ngủ.

(2) Nhu cầu tình cảm bao gồm sự an toàn về cảm xúc, sự kết nối và sự tự tin.


An toàn về mặt cảm xúc là khi trẻ cảm thấy mình có thể là con người thật của mình, có thể thất bại và được những người xung quanh lắng nghe câu chuyện, sự giãi bày của mình.

Kết nối là khi trẻ cảm nhận được tình bạn, tình yêu, cảm thấy mình thuộc về cộng đồng này, cuộc sống này trong từng khoảnh khắc thường ngày.

Tự tin là khi trẻ cảm thấy mình có khả năng ở một lĩnh vực nào đó và mình có năng lực để thay đổi cuộc sống theo ý mình.


Đó là định nghĩa của “mối quan hệ hỗ trợ”. Nếu trẻ có được ít nhất một mối quan hệ chất lượng như thế với người chăm sóc chúng, trẻ sẽ thuận lợi có một sức bật lại trước những khó khăn và thử thách.


VÌ SAO MỐI QUAN HỆ LẠI QUAN TRỌNG?

Một mối quan hệ hỗ trợ tích cực, nhắc nhở trẻ rằng chúng không đơn độc, có những bàn tay nâng đỡ, có những điểm tựa xung quanh. Nhờ đó trẻ bớt căng thẳng khi gặp chuyện đau khổ.


Sự an toàn về mặt cảm xúc, cũng như sự kết nối mà trẻ cảm nhận được trong mối quan hệ hỗ trợ, giúp trẻ nhận thấy rằng mình có giá trị. Từ đó, chúng vẫn đủ yêu mình sau những thất bại, mất mát.


Mối quan hệ hỗ trợ đem lại sự tự tin. Bằng điều đó, trẻ có can đảm thiết lập lại con đường của mình, một cách khác cho mình. Có thể chúng đã không thành công trong lần đầu tiên, nhưng chúng luôn có cơ hội học hỏi thêm, và thử lại lần nữa.


GỢI Ý CÁCH XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ HỖ TRỢ

1. Chia sẻ trải nghiệm: dành thời gian cùng nhau làm những việc mà bạn và trẻ cùng thích: thể thao, đọc sách, nấu nướng, du lịch. Hoặc cùng nhau thử những lĩnh vực mới mà cả hai tò mò, ví dụ: môn học mới, món ăn mới, trò chuyện về một chủ đề mới. Tôi dự định cùng con học trượt patin, hai mẹ con rất háo hức và tò mò. Ví dụ thế.


2. Thể hiện tình cảm và hỗ trợ trẻ: với trẻ nhỏ, thường xuyên ôm, hôn, nói lời quan tâm. Với trẻ lớn thì thể hiện sự chu đáo, để ý những nhu cầu của trẻ. Có mặt khi trẻ gặp rắc rối, khó khăn, và kịp thời đưa ra những sự hỗ trợ phù hợp; đôi khi chỉ vỗ về, hỏi han đã là hỗ trợ.


3. Mở rộng sự phát triển cho trẻ: tuỳ theo độ tuổi và nhu cầu, đưa ra những gợi ý mở rộng độ khó phù hợp, để nâng cao sự phát triển của trẻ. Khen ngợi sự cố gắng của trẻ, dù kết quả có như thế nào. Bạn luôn có thể nói rằng “mẹ tự hào vì con đã hoàn thành đường đua này”.


4. Dạy trẻ về cảm xúc: đối với trẻ nhỏ thì dạy trẻ nhận biết và nói lên cảm xúc của mình. Đối với trẻ lớn, thì hỗ trợ trẻ với những thời điểm gặp cảm xúc khó/ mạnh. Để trẻ có cơ hội nói cho bạn biết chúng muốn bạn hỗ trợ như thế nào.


KIÊN CƯỜNG không có nghĩa là cố chấp đơn độc chiến đấu. Tình thân mới là cốt lõi của một năng lực kiên cường thực sự. May mắn cho bạn, nếu bạn sinh ra và lớn lên trong những tình thân tin cậy của gia đình. Ai chưa may mắn để có những mối quan hệ hỗ trợ này từ thời thơ ấu, vẫn có thể xây dựng khả năng phục hồi cho mình, bằng cách tìm kiếm những mối quan hệ tin tưởng, thấu hiểu, quan tâm về sau.


-- Kim Chi --

-- Positive Psychology & Happy Parenting --



124 views

Recent Posts

See All
bottom of page