top of page

Nuôi dưỡng sự kiên cường cho trẻ

SỰ KIÊN CƯỜNG: NÓ LÀ GÌ

Khả năng phục hồi, hay còn gọi là sự kiên cường, được định nghĩa là khả năng ‘bật trở lại’ sau những khó khăn và thử thách.

Những khó khăn và thử thách này, có thể là sự trải nghiệm khi lần đầu tiên đi học, khi chuyển trường, chuyển nhà, khi chào đón một anh chị em trong gia đình. Và đôi khi là những hoàn cảnh nghiêm trọng hơn như bị bắt nạt, ba mẹ ly hôn, người thân trong gia đình mất hoặc bệnh nặng.

Theo thời gian và thông qua kinh nghiệm, trẻ sẽ tự kiên cường hơn, tự có khả năng đối phó với khó khăn, theo cách của riêng chúng. Tuy nhiên, bạn có thể hỗ trợ con học các kỹ năng lành mạnh, để có sức bật lại một cách kiên cường hơn.


DẠY SỰ KIÊN CƯỜNG: TẠI SAO ĐIỀU ĐÓ LẠI QUAN TRỌNG

Sự kiên cường giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sau khó khăn, trở lại với cuộc sống bình thường. Đồng thời, một khi đã vượt qua được những khó khăn, trẻ lại càng tự tin hơn trong lần tới khi vấn đề xuất hiện. Chúng ngày càng có thể đương đầu với những thử thách lớn hơn trong cuộc đời.

Khi mọi thứ không diễn ra theo cách mà chúng muốn, những đứa trẻ kiên cường không ngại thử lại, học những kỹ năng mới, tìm cách giải quyết vấn đề. Trẻ có thể trải qua những cảm xúc lo lắng, buồn bã, thất vọng, sợ hãi, nhưng sự trải nghiệm dạy chúng hiểu rằng những cảm xúc khó chịu này không tồn tại mãi mãi. Chúng biết rằng không lâu sau, chúng sẽ ổn.

Bởi thế, những đứa trẻ kiên cường ít trốn tránh, không hung hăng, hoặc cố ý làm tổn thương bản thân khi gặp phải những khó khăn. Chúng có sức khoẻ thể chất và tinh thần tốt hơn hẳn những đứa trẻ khác



GỢI Ý NUÔI DƯỠNG SỰ KIÊN CƯỜNG

Trẻ học được sự kiên cường thông qua trải nghiệm. Nuôi dưỡng sự kiên cường cho trẻ, thực tế là tạo cơ hội cho chúng trải nghiệm những thử thách, có cơ hội tự mình giải quyết khó khăn. Một khi, trẻ vượt qua được một lần thử thách, điều đó tạo sự tự tin về sau khi đối mặt với thử thách lớn hơn.


1. Lắng nghe và hỗ trợ trẻ, nhưng không giải quyết mọi sự thất vọng, nỗi buồn của con. Ví dụ, nếu một người bạn không mời trẻ đến dự tiệc sinh nhật, hoặc trẻ không được nhận một món quà sinh nhật như ý. Vậy thì, bạn ở đây để lắng nghe, để hỏi trẻ “con cảm thấy như thế nào”, chứ không phải để ra tay giải quyết vấn đề đó.


2. Không tiên đoán và ngăn chặn mọi khó khăn sẽ đến với trẻ. Bạn có thể cứ để trẻ đến trường với bài tập về nhà đã bị làm sai. Trẻ khóc vì đồ chơi bị hỏng, bạn không cần phải tìm mọi cách để thay thế. Tự mình, vượt qua những trở ngại nhỏ, sẽ giúp xây dựng tính kiên cường cho trẻ về sau.


3. Giúp trẻ nhận ra, và xử lý những cảm xúc mạnh. Ví dụ, trẻ lo lắng khi ông đang bị bệnh. Bạn có thể nói rằng “Mẹ thấy rằng con đang thực sự lo lắng về ông. Mẹ cũng lo lắng. Nhưng con biết rằng chúng ta đang làm hết sức để ông khoẻ hơn, đúng không?”


4. Khuyến khích trẻ thử lại lần nữa, khi lần đầu tiên gặp thất bại. Khen ngợi sự cố gắng của con, dù kết quả có như thế nào. Bạn luôn có thể nói rằng “mẹ tự hào vì con đã hoàn thành đường đua này”.


5. Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn nơi con. Tình thương, và sự trắc ẩn giúp trẻ đối mặt với khó khăn, thất bại, lỗi lầm, giúp trẻ yêu bản thân mình. Và từ đó trẻ có khả năng bước tiếp sau những thử thách.


6. Xây dựng thói quen, nhận biết những điều tích cực nhỏ bé xung quanh. Ví dụ, hàng ngày nói với nhau, về những điều tích cực nhỏ bé đang diễn ra thầm lặng, không ồn ào xung quanh như một bữa ăn ngon, một ngày nắng đẹp.


7. Phát triển khả năng giải quyết vấn đề phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ nói rằng ở trường có bạn nào đó không tử tế với con, vậy thì hãy giúp trẻ nghĩ ra những cách để phản ứng với điều đó vào lần kế tiếp.


8. Tìm một hình mẫu tích cực, một ai đó đã từng trải qua những khó khăn thử thách giống như trẻ. Nó có thể là từ một bạn lớn hơn, từ một nhân vật yêu thích trong trang sách của trẻ.


NUÔI DƯỠNG SỰ KIÊN CƯỜNG KHÔNG PHẢI LÀ BỎ MẶC TRẺ Luôn nhớ rằng một tình thân bền chặt, ấm áp là chìa khoá để xây dựng tính kiên cường cho trẻ. Có những mối quan hệ yêu thương, an toàn, tin cậy, trẻ sẽ có cảm giác rằng chúng có giá trị, chúng được đánh giá cao. Từ đó, trẻ dễ dàng tự tin để khám phá thế giới, không ngại thử lại khi gặp sai lầm, và phục hồi sau bất kỳ bất kỳ thất bại nào mà chúng trải qua.

Tóm lại, nuôi dưỡng sự kiên cường cho trẻ, bạn cần vận dụng linh hoạt lúc tiến đến ôm ấp yêu thương trao cho trẻ cảm giác an toàn, lúc lùi lại để trẻ có cơ hội tự đôi chân mình, đôi tay mình trải nghiệm cách vượt qua thử thách. Bạn cần: lúc lạc quan giúp trẻ nhận ra luôn còn điều tốt đẹp trong cuộc sống này, luôn có con đường để đi; lúc thực tế giúp trẻ nhìn nhận khó khăn, giới hạn của chúng, hỗ trợ chúng học kỹ năng mới, bước qua thử thách. Tiến lùi linh hoạt, có như vậy, trẻ sẽ có thể hạnh phúc bền vững về sau.


-- Kim Chi --

-- Positive Psychology & Happy Parenting --

-- Lược dịch từ bài của Dr Meredith Rayner, psychologist, Director of Care at Ballarat Grammar --

189 views

Recent Posts

See All
bottom of page