top of page

Mô hình hạnh phúc P.E.R.M.A

🍀 Hạnh phúc là một khái niệm khó định nghĩa. Đôi khi, ta nhìn nó giống như Chén Thánh: thần thoại, tuyệt vời, nhưng có lẽ không thể đạt được. Dù vậy, Tâm Lý Học Tích Cực cho rằng hạnh phúc là kết quả tự nhiên sau khi ta xây dựng niềm an lạc và sự hài lòng với cuộc sống. Dr Martin Seligman đã dành nhiều năm để phát triển một lý thuyết về hạnh phúc. Ông muốn xác định các thành phần xây dựng nên hạnh phúc. Ông đã vẽ ra một mô hình năm mặt của hạnh phúc được gọi là mô hình P.E.R.M.A.



🇵 – Positive Emotion – Cảm xúc tích cực Khi một người hỏi bạn liệu bạn có hài lòng với cuộc sống này không, câu trả lời của bạn thường phụ thuộc nhiều vào tâm trạng lúc đó. Nếu bạn đang cảm thấy tích cực, bạn sẽ nhìn về quá khứ với một tâm trạng vui vẻ, nhìn ra tương lai với niềm hi vọng, và thưởng thức niềm vui trong hiện tại.


🍀 Tại sao cần cảm xúc tích cực? Ảnh hưởng của cảm xúc tích cực không chỉ là mang lại nụ cười trên gương mặt. Cảm xúc đó còn giúp ta làm việc và học tập tốt hơn, thúc đẩy sức khoẻ thể chất, làm vững mạnh các mối quan hệ. Nó cũng cổ vũ ta sáng tạo, nắm lấy cơ hội, nhìn ra tương lai với niềm hi vọng cùng tinh thần lạc quan.


Cuộc đời ai cũng trải qua những cung bậc cao và thấp, nhưng ta sẽ làm hại chính mình khi mãi chìm đắm trong những cung bậc thấp. Nếu ta nhìn về quá khứ với ánh mắt hối tiếc và đau khổ, ta sẽ trở nên giận dữ và bi quan. Vì vậy, nhận ra cảm xúc tích cực trong lòng mình là điều vô cùng quan trọng, để từ đó ta có thể thưởng thức hiện tại mà không cần lo lắng hay hối hận.


🍀 Làm thế nào để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực? Điều gì làm ta thấy đời mình tốt đẹp? Đó có thể là dành thời gian cho gia đình, bạn bè, tham gia những hoạt động yêu thích, tập thể dục, đi ra ngoài thiên nhiên, ăn món ngon. Cần chắc chắn ta luôn có thời gian cho những việc đó trong cuộc sống của mình. Nghiên cứu Tâm Lý Học Tích Cực cũng xác nhận có những kỹ năng và bài tập có thể thúc đẩy trải nghiệm cảm xúc tích cực trong ta. Chúng ta có thể học để cảm nhận những cảm xúc này mạnh mẽ hơn, trải nghiệm chúng lâu hơn.


Nhiều người có khuynh hướng tự nhiên là kì vọng điều tồi tệ, nhìn vào mặt xấu, và tránh các rủi ro. Nếu chúng ta học cách nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực trong cuộc đời, ta sẽ bắt đầu hi vọng cho điều tốt, nhìn thấy mặt tốt, và học cách nắm lấy cơ hội khi chúng đến.


🇪 – Engagement – Tham gia Ta sẽ không phát triển khi ta không làm gì cả. Nhưng khi chúng ta bắt đầu tham gia vào chính cuộc đời mình, ta sẽ trở nên hấp thụ. Ta bước vào trạng thái dòng chảy. Trong Tâm Lý Học Tích Cực, dòng chảy được mô tả là trạng thái ngâm mình hoàn toàn vui sướng vào thời điểm hiện tại.


🍀 Tại sao cần tham gia? Chỉ một từ thôi: quán tính. Khi bạn đang nằm trên giường, thường rất khó để thuyết phục bạn tung chăn và để chân xuống sàn. Bạn lo lắng về cái lạnh. Bạn nằm trên giường, bạn suy nghĩ nhưng không đạt được điều gì. Khi bạn đang chạy, bạn không hỏi điều gì cả. Bạn bay trong không gian: bước chân này trước bước chân kia, và cứ thế, bởi vì nó phải thế. Bạn hấp thụ hoàn toàn trong khoảnh khắc hiện tại.

Không phải mọi người đều thích chạy, có lẽ bạn sẽ cảm thấy điều này khi bạn chơi nhạc, vẽ, khiêu vũ và nấu ăn. Nếu bạn có một công việc mà bạn yêu thích, có lẽ bạn sẽ cảm thấy điều này khi đang làm việc. Chúng ta gần như sử dụng trọn vẹn những tiềm năng độc đáo của riêng mình khi được tham gia vào những hoạt động hấp thụ và gợi cảm hứng.


🍀 Tham gia bằng cách nào? Hầu hết công việc của Tâm Lý Học Tích cực là để xác định và nuôi dưỡng thế mạnh, đức hạnh và tài năng cá nhân. Khi ta xác định được những thế mạnh lớn nhất của mình, ta sẽ tham gia một cách có ý thức vào những việc mà ta cảm thấy tự tin, có kết quả và có giá trị. Ta cũng sẽ học được những kĩ năng nuôi dưỡng niềm vui và tập trung vào hiện tại. Chánh niệm là một kỹ năng đáng giá, nên được dạy. Sử dụng chánh niệm, bạn học được cách phát triển một nhận thức hoàn toàn và rõ ràng về hiện tại, cả trong thể chất và tinh thần.


🇷 – Relationships – Quan hệ Con người là một loại động vật xã hội. Chúng ta cần kết nối, tình yêu, sự liên lạc cảm xúc với người khác. Chúng ta nâng cao sự hài lòng của riêng mình bằng cách xây dựng một mạng lưới quan hệ xung quanh, với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, và tất cả những người khác trong cuộc đời ta.


🍀 Tại sao cần mối quan hệ? “Vấn đề được chia sẻ là vấn đề giảm một nửa”. Hạnh phúc được chia sẻ là hạnh phúc bình phương. Khi ta chia sẻ niềm vui với những người mà ta yêu quí, ta thậm chí còn thấy vui hơn. Và khi ta yêu, ta sẽ trở nên đáng yêu.


Khi ta chỉ có một mình, ta đánh mất nhận thức về thế giới, ta quên rằng người khác có thể có những gánh nặng hơn ta. Nhưng khi ta để mọi người bước vào cuộc sống của mình, ta nhớ cho đi, như cách mà ta nhận lại. Khi chúng ta thuộc về một cộng đồng, ta có một mạng lưới hỗ trợ xung quanh mình.


🍀 Bằng cách nào để có mối quan hệ? Xây dựng và duy trì mối quan hệ với mọi người là điều quan trọng trong cuộc đời, nhưng nó cũng quan trọng như thế để nhận ra sự khác biệt giữa một mối quan hệ lành mạnh, và mối quan hệ huỷ hoại.


Điểm chính của mọi mối quan hệ là phải cân bằng. Nó không chỉ là bao bọc xung quanh bản thân ta bằng “tình bạn”, mà ta còn phải lắng nghe, chia sẻ, cố gắng duy trì kết nối, và làm cho những kết nối đó mạnh mẽ hơn.


🇲 – Meaning – Ý Nghĩa Ta làm tốt nhất khi ta dành trọn thời gian của mình cho thứ gì đó, lớn hơn bản thân chúng ta. Nó có thể là lòng trung thành tôn giáo, làm việc tập thể, gia đình, nguyên nhân chính trị, từ thiện, một mục tiêu chuyên nghiệp hoặc sáng tạo.


🍀 Tại sao cần có ý nghĩa? Nghiên cứu chỉ ra rằng con người thuộc về một cộng đồng và theo đuổi một mục tiêu chung thường hạnh phúc hơn những người không có. Cảm thấy việc mình làm thống nhất với giá trị và niềm tin chung cũng là một điều quan trọng. Ngày qua ngày, nếu ta tin rằng việc mình làm có giá trị, ta sẽ có một cảm giác hạnh phúc và tự tin nghĩ rằng ta đã sử dụng thời gian và năng lực của mình cho những việc tốt.


🍀 Bằng cách nào, việc làm của ta có ý nghĩa? Bạn đánh giá cao nhất điều gì trong thế giới này? Nó có thể là gia đình, học tập và tôn giáo của bạn. Cũng có thể, bạn cảm thấy mãnh liệt khi nghĩ đến việc giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoặc bảo vệ môi trường. Khi bạn đã xác định được vấn đề quan trọng nhất với bạn, hãy tìm những người cùng chí hướng, làm việc cùng với họ cho những điều cả hai cùng quan tâm. Bạn có thể tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời sự nghiệp, cũng như trong cuộc sống cá nhân.


🇦 – Accomplishment- Thành tựu Chúng ta đều được dạy rằng “chiến thắng không phải là tất cả”. Vâng, chúng ta nên phấn đấu vì sự thành công, nhưng thưởng thức cuộc chơi còn quan trọng hơn. Tuy nhiên, đôi khi con người cần chiến thắng. Mục tiêu và tham vọng là để làm gì, khi chúng ta không bao giờ đạt đến chúng. Để đạt được sự hài lòng và niềm hạnh phúc, chúng ta phải nhìn lại cuộc sống của mình với một cảm giác có thành tựu “Tôi đã làm điều đó, và tôi đã làm tốt”.


🍀 Tại sao cần thành tựu? Tạo ra và làm việc hướng theo mục tiêu giúp chúng ta tham gia và xây dựng niềm hi vọng về tương lai. Những thành công trong quá khứ giúp ta cảm thấy tự tin và lạc quan hơn về những hi vọng cho tương lai. Không có gì là xấu và ích kỉ khi bạn tự hào về những thành tựu của mình. Khi bạn cảm thấy tốt về bản thân mình, bạn dường như chia sẻ những kỹ năng của bạn nhiều hơn. Bạn có động lực để làm việc tốt hơn và gặt hái ở lần sau. Bạn thậm chí còn truyền cảm hứng cho những người xung quanh để đạt được mục tiêu của riêng họ.


🍀 Đạt thành tựu bằng cách nào? Điều quan trọng là phải đặt cho mình những mục tiêu hữu hình và đặt chúng trong tầm nhìn. Trong tư vấn về Tâm Lý Học Tích Cực, chúng tôi khuyến khích bạn xác định tham vọng, và nuôi dưỡng những thế mạnh mà bạn cần để đạt được chúng. Nuôi dưỡng tinh thần phục hồi sau những thất bại cũng là điều cực kì quan trọng. Thành công không phải luôn đến dễ dàng, nhưng nếu chúng ta còn tích cực và tập trung, chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ khi nghịch cảnh đến.


Nguồn tham khảo: P.E.R.M.A Model – Well-being theory – https://www.relate.melbourne/well-being-theory/ Người tổng hợp: Tanya Chi

Bản quyền dịch: Nhóm Cánh Diều.


* Bắt đầu tìm hiểu Giáo dục tích cực với khoá học https://www.heary.edu.vn/giao-duc-dua-tren-diem-manh

504 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page