top of page

Làm cha mẹ chú tâm - Mindful Parenting

1. Làm cha mẹ Chú tâm – Mindful parenting là gì?


Làm cha mẹ Chú tâm đã được mô tả như một tập hợp các kỹ năng hoặc phong cách thực hành nuôi dạy con cái cơ bản (Steinberg 2004; Kabat-Zinn và Kabat-Zinn 1997). Các nhà nghiên cứu đã ủng hộ rằng, việc áp dụng sự Chú tâm vào trong nuôi dạy con cái hàng ngày là 1 cách hiệu quả để cải thiện chất lượng sự tham gia của cha mẹ (Dumas 2005).

Theo Duncan và cộng sự (2009), phong cách làm cha mẹ Chú tâm bao gồm năm khía cạnh của việc nuôi dạy con cái có liên quan đến mối quan hệ con – cha mẹ:


(a) lắng nghe với sự chú ý đầy đủ;

(b) sự chấp nhận không phán xét về bản thân và đứa trẻ;

(c) nhận thức về cảm xúc của bản thân và trẻ;

(d) tự điều chỉnh trong mối quan hệ của cha mẹ;

(e) từ bi với bản thân và con cái


Làm cha mẹ Chú tâm không có nghĩa là trở thành cha mẹ hoàn hảo hoặc không được phép thất bại. Nó không dễ dàng và cần sự thực hành, nhưng giống như nhiều khía cạnh của việc nuôi dạy con cái, bạn sẽ có những ngày thành công – và một số ngày nếm trải thất bại – điều quan trọng là luôn có một cơ hội để đứng lên từ những thất bại trong đời. Lần thứ nhất, bạn có thể quên để tâm, nhưng lần thứ hai bạn nhận ra mình bị phân tâm, đó là cơ hội để đưa ra một lựa chọn khác – sự lựa chọn “Hiện diện ngay lúc này”.



Nuôi dạy con Chú tâm có nghĩa là bạn mang lại sự chú ý có ý thức cho những gì đang xảy ra, thay vì bị tấn công/ảnh hưởng bởi cảm xúc của bạn. Chú tâm là về việc buông bỏ cảm giác tội lỗi và xấu hổ về quá khứ và tập trung vào thời điểm “Ở đây – ngay bây giờ”. Nó đề cập tới việc chấp nhận bất cứ điều gì đang xảy ra, thay vì cố gắng thay đổi hoặc bỏ qua nó, một sự chấp nhận vô điều kiện.

Trở thành một cha mẹ Chú tâm có nghĩa là bạn chú ý đến những gì bạn cảm thấy. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không tức giận hay buồn bã. Tất nhiên bạn sẽ cảm thấy những cảm xúc tiêu cực, nhưng hành động theo chúng một cách thiếu suy nghĩ là điều làm ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái của chúng ta.


2. Lợi ích của việc làm cha mẹ Chú tâm.

  • Bạn trở nên ý thức hơn về cảm xúc và suy nghĩ của chính bản thân mình

  • Bạn trở nên nhận thức và đáp ứng tốt hơn các nhu cầu, suy nghĩ và cảm xúc của con bạn

  • Bạn trở nên tốt hơn trong việc điều chỉnh cảm xúc của bạn

  • Bạn trở nên ít phê phán bản thân mình, và con trẻ

  • Bạn trở nên tốt hơn khi đối diện với các tình huống xảy ra và tránh các phản ứng bốc đồng

  • Mối quan hệ của bạn với con sẽ được cải thiện

***

Dịch và tổng hợp: Minh Thành

Bản quyền dịch: Cánh Diều Project

Tài liệu tham khảo:

Larissa G. Duncan, J. Douglas Coatsworth, and Mark T. Greenberg (2009). A Model of Mindful Parenting: Implications for Parent–Child Relationships and Prevention Research. Clin Child Fam Psychol Rev (2009) 12:255–270


* Bắt đầu tìm hiểu Giáo dục tích cực với khoá học https://www.heary.edu.vn/giao-duc-dua-tren-diem-manh

57 views0 comments

Comentarios


bottom of page