top of page

Vì sao chúng ta dễ bùng nổ cơn giận dữ?

Sáng ngày bạn ra đường, chẳng may lỡ quệt vào một người, hoặc người ấy va vào bạn. Bạn hoặc người ấy rất có thể bùng phát cơn giận dữ không sao kiểm soát nổi. Đến mức có thể nói ra những lời chửi rủa rất khó nghe. Đã bao giờ bạn tự hỏi, vì sao mình bùng nổ cơn giận dữ đến thế? Bởi nếu chỉ là một cái quẹt nhẹ, thân chúng ta sẽ không đau đến thế, về lí mà nói không cần thiết phải giận dữ. Vậy lí do là gì?


Trong cuốn Những cảm xúc bị dồn nén, Henry Coriat có nói rằng: Trong chúng ta luôn luôn có những cảm xúc và tổn thương bị dồn nén từ bé đến lớn. Những dồn nén này càng ngày càng bị đẩy sâu vào các tầng vô thức, tức chúng ta không hề ý thức được sự tồn tại của nó.


Song, vì vô thức vẫn ở đó – những cảm xúc bị dồn nén và tổn thương vẫn ở đó. Chúng thông báo sự tổn tại của mình qua những giấc mơ, qua những cơn phát tác (chẳng hạn như các bạn hay rơi vào trạng thái “tụt mood” định kì). Trong chính bản thân chúng ta xuất sinh một sự phản kháng nội tại, hòng ngăn cản các cảm xúc bị dồn nén không trồi lên trên bề mặt ý thức.


Đó là một cơ chế bảo vệ, một hành động phòng vệ tâm lí, để tránh cho con người khỏi cảm xúc khổ đau. Song trong đời sống hàng ngày, chính sự phản kháng này gây ra sự yêu ghét, sự đối kháng, cơn cáu kỉnh của chúng ta với những người xung quanh. Ở đây bạn cần hiểu là: Bởi con người không có khả năng tự nhìn lại chính mình, nên họ hướng sự thù ghét và giận dữ ra thế giới xung quanh.


Có thể hiểu đây là một trạng thái dằn vặt giữa thân – tâm – trí của một người được phóng chiếu ra thế giới bên ngoài. Như bạn biết đấy, “thế giới” của chúng ta không rộng lớn như chúng ta tưởng, nó chỉ là những gì chúng ta “thấy – cảm” mà thôi.


Đến đây chúng ta có thể lí giải sự giận dữ trên như sau: Sự kiện: một người va vào bạn là nhân tố kích động sự phản kháng, tâm lí yêu ghét, cơn giận dữ, cáu kỉnh trong bạn; Lớp tâm lí bề mặt: Thực ra bạn giận dữ có thể vì sáng ngày ra bạn với chồng, hoặc với bố mẹ vừa cãi nhau, hay cuộc sống của bạn đang có quá nhiều áp lực. Đơn giản là bạn cần một chỗ trút, và kẻ đâm vào bạn kia đến thật đúng lúc; Lớp tâm lí sâu hơn: Bạn cảm thấy mình bị coi thường hoặc bị “áp bức”, bạn cảm thấy không có tiếng nói trong gia đình; hoặc xa xôi hơn, hồi nhỏ thường bị sỉ mắng.


Tất cả trở thành nỗi tổn thương tự tôn và giá trị sâu trong bạn… Bạn có thể lần sâu hơn nữa theo đường hầm tăm tối của tâm hồn mình. Bạn sẽ thấy càng đi càng tối om, càng bắt gặp một con người mà mình không hề hay biết, thậm chí muốn phủ nhận nó. Bạn có thể là người kiềm chế hơn, nén cơn giận lại. Bạn tưởng mình cư xử nhã nhặn, lịch thiệp, nhưng như thế không có nghĩa những vấn đề của bạn biến mất. Chúng vẫn ở đó.


Bạn cũng có thế cứ sống tiếp với những cơn giận dữ, cáu kỉnh, những vòng quay yêu ghét ngày qua ngày mà không thấy có vấn đề gì. Nhưng bạn nên nhớ:

Thái độ thù hằn với thế giới bên ngoài chỉ là một mặt của việc không chấp nhận, yêu thương nổi bản thân mình.


Bạn phải lựa chọn. – Nếu sống tiếp như cũ là lựa chọn của bạn, đừng than vãn cuộc sống là mệt mỏi, khó sống, vì bản thân bạn đã “khó ở” – bạn cũng đâu có ý định giải quyết nó. – Nếu bạn lí trí, tỉnh táo hơn, bạn sẽ phải học cách làm chủ cảm xúc của mình, tìm cách giải quyết vấn đề trong mình trước, thay vì hễ gặp là trút ra bên ngoài. Từ đó, bạn mới có thể sống hạnh phúc mỗi ngày.


* Theo tamly.blog

* Học cách khám phá bản thân với khoá học https://www.heary.edu.vn/giao-duc-dua-tren-diem-manh

33 views0 comments

Comments


bottom of page