top of page

Mô hình ABC - Phân tích hành vi trẻ

Phân tích và học cách nhìn hành vi của con theo hướng tích cực.


Là cha mẹ, bạn sẽ muốn con bạn cư xử theo những cách nhất định - thông minh, vui vẻ, lịch sự, cẩn thận. Thi thoảng, chúng làm thế, nhưng không phải lúc nào chúng cũng có những lựa chọn đúng. Và đương nhiên, bạn muốn dạy chúng hiểu điều gì là phù hợp, điều gì không.


Nhưng trước tiên, bạn cần hiểu tâm lý đằng sau một hành vi của trẻ, rồi sau đó bạn có thể bắt đầu điều chỉnh nó theo hướng tích cực hơn. Đối với trẻ, hành vi là một công cụ giao tiếp, chúng biểu đạt hành vi đó vì chúng “muốn thứ này”, hay “không thích thứ khác”.


✅ Khi một nhà tâm lý phân tích hành vi, họ nghĩ đến công thức ABCs: Tiền đề (Antecedent), Hành vi (Behavior), và Kết Qủa (Consequences). Với mọi hành vi, dù tích cực, hay tiêu cực, hãy nghĩ theo mô hình này.


➡️ Tiền đề: những sự kiện xây dựng nên, những yếu tố góp phần và đôi khi là những cảnh báo dẫn đến hành vi của trẻ.


➡️ Hành vi: phản ứng của trẻ để đáp trả lại tiền đề đã xảy ra.


➡️ Kết quả: cái gì xảy ra sau hành vi đó, kết quả này sẽ góp phần khuyến khích hoặc dập tắt hành vi tiếp tục xảy ra.


Để xử lí những vấn đề về hành vi, cha mẹ nên bình tĩnh, thở sâu, và nhìn nhận hành vi của con mình theo mô hình ABCs này.


1️⃣ Đầu tiên, hãy suy ngẫm về những tiền đề, cảnh báo dẫn đến hành vi. Có hàng triệu những khả năng, tuy nhiên, ở đây có một vài biểu hiện theo độ tuổi như sau:


➡️ Trẻ mới biết đi: Nếu con nổi cơn thịnh nộ, hãy xem xét liệu con có đói bụng, mệt mỏi hoặc thất vọng hay không. Đây là ba tiền đề lớn nhất của cơn giận dữ.


➡️ Trẻ ở độ tuổi đến trường: Khi con đẩy anh trai mình, hãy tìm hiểu xem liệu con có đang cố giành lấy điều gì đó, hay con chỉ đang tức giận.


➡️ Thanh thiếu niên: Nếu con bắt đầu cãi nhau với bạn, hãy nghĩ xem liệu điều này có xảy ra trong một tình huống đặc biệt nào đó, hay trước một người bạn đặc biệt nào đó.


2️⃣ Sau đó, hãy tập trung vào hành động cụ thể mà bạn muốn thay đổi:


➡️ Trẻ mới biết đi: nếu con giành đồ chơi, và không cho ai khác sử dụng chúng, hãy tập trung vào hành vi cụ thể liên quan đến vấn đề chia sẻ: cách cầm đồ vật đưa cho người khác, cách tìm kiếm xem xung quanh có những lựa chọn đồ chơi khác, cách nói làm ơn, và cảm ơn.


➡️ Trẻ ở độ tuổi đến trường: nếu trẻ chán nản trong việc làm bài tập ở nhà mỗi ngày, hãy khuyến khích trẻ chú ý đến những cố gắng đạt được tại thời điểm đó, đừng tập trung vào vấn đề điểm số.


➡️ Thanh thiếu niên: trừng mắt và đóng sầm cửa dường như xảy ra ở tất cả thanh thiếu niên. Mặc dù, bạn không thể bắt chúng ngay lập tức thay đổi thái độ (bởi vì điều này phù hợp với lứa tuổi), bạn có thể yêu cầu chúng “thử lại lần nữa”, mà không đập cửa mạnh, và trừng mắt.


3️⃣ Sau đó, chọn một kết quả phù hợp. Nhiều cha mẹ đi ngay đến việc trừng phạt, nhưng điều này dẫn đến những hậu quả tiềm tàng, mà có nguy cơ làm cho hành vi đó lặp lại. Sau đây là một số cách thông thường, hiệu quả nhất, kèm với lí do vì sao nó hiệu quả.


Một số cha mẹ lập tức yêu cầu trẻ ra Time-Out, nhưng Time-Out sẽ không hiệu quả, trừ khi trẻ đã có thời gian Time-In – trò chuỵện tích cực cùng nhau. Điều này sẽ đảm bảo Time-Out hoạt động, và trẻ đã hiểu đủ vấn đề.


Phát huy xu hướng sao chép của trẻ và làm mẫu cho chúng hành vi tốt. Nếu trẻ làm một hành động nào đó mà bạn không muốn, hãy giải thích với chúng rằng bạn không thích chúng làm như thế, và sau đó hãy chắc chắn rằng bản thân bạn không làm điều đó.


➡️ Hãy sử dụng những câu như khi/thì: khi con dọn dẹp hết những đồ chơi, thì chúng ta có thể đi công viên. Đây là cách vừa dễ làm theo, vừa là cách củng cố tích cực cho một hành vi tốt.


Đặt ra những giới hạn, luật lệ và kì vọng thống nhất, từ đó trẻ biết điều gì sẽ xảy ra khi trẻ cư xử theo một cách nào đó.


Con của bạn có bao giờ nổi cơn thịnh nộ trong căn phòng trống không? Trẻ chờ bạn nhìn, thì mới bắt đầu trừng mắt? Hãy chú ý đến những biểu hiện này. Đôi khi, phớt lờ là một chiến lược tốt nhất.

Đừng bỏ cuộc. Vì điều đó chỉ tạo cơ hội cho những hành vi chưa tốt lặp lại.


Nếu bạn vẫn kiên quyết phạt trẻ, hãy chắc chắn rằng nó xảy ra lập tức, cố định trong một ngữ cảnh hành vi nào đó mà bạn cần dừng nó lại ngay. Đừng làm điều đó, chỉ vì bạn đang nổi điên.


Thưởng cho những hành vi tốt bất cứ khi nào bạn nhìn thấy, đó cũng là một cách áp dụng mô hình ABCs. Nếu trẻ nhận được một sự củng cố tích cực khi trẻ có hành vi tốt, trẻ sẽ có xu hướng thích làm hành vi này.


✅ Rất nhiều những lời khuyên, và đừng để chúng làm bạn rối loạn. Hãy đơn giản nghĩ về mô hình ABCs, phân tích vài hành động ở nhà của con bạn. Điều gì tạo nên những vấn đề này? Bạn có thể kiểm soát tiền đề tốt hơn không? Kết quả mà bạn quyết định sẽ có xu hướng làm hành vi tiếp tục hay chấm dứt? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn hành động khác hơn?


Sau khi tự mình phân tích, sẽ dễ cho bạn nhớ về mô hình ABCs hơn. Hãy chú ý đến những manh mối của mô hình ABCs. Khi bạn đã sử dụng quen thuộc, bạn sẽ thấy mô hình này trực quan hơn, và nó là chìa khoá để giải quyết những căng thẳng, và là một phần hiệu quả để thiết lập kỷ luật trong gia đình.


********

Người dịch và tổng hợp: Tanya Chi

--------------

6,224 views0 comments

Comments


bottom of page