Thực hành 9 cách sau sẽ giúp bạn hành xử dân chủ hơn, tôn trọng con cái hơn.
Lắng nghe con: Chào đón mọi ý kiến, NGHIÊM TÚC lắng nghe những băn khoăn, những chia sẻ ý tưởng của con về thế giới của chúng.
Thừa nhận cảm xúc của con: Giúp con nhận ra và gọi tên cảm xúc, đồng thời học cách nhận biết cảm xúc ảnh hưởng thế nào đến hành vi. Ba mẹ ở đây giúp con ĐIỀU CHỈNH HÀNH VI, chứ không phải cảm xúc.
Cân nhắc đến cảm nhận của con: Luôn suy xét cảm nhận của con để quyết định sự việc. Bạn nên lưu ý rõ, đây là CÂN NHẮC, không phải PHỤ THUỘC vào cảm nhận của con để quyết định. Giả sử bạn quyết định chuyển nơi sinh sống, hãy hỏi con cảm thấy thế nào về việc chuyển đi, tuy nhiên bạn sẽ không hỏi chúng rằng liệu bạn có nên chuyển đi không? Con chưa đủ khôn ngoan và trải nghiệm để ra quyết định như người lớn. Nhưng chúng sẽ cảm thấy an toàn hơn khi biết rằng người lớn hiểu chúng. Thiết lập những quy tắc rõ ràng: Ba mẹ dân chủ có những quy tắc gia đình rõ ràng, và họ luôn đảm bảo rằng CON HIỂU lý do đằng sau những luật lệ đó.
Chỉ nhắc nhở một lần cho các vấn đề nhỏ: Báo cho con biết hậu quả là gì nếu con không thay đổi hành vi. Đừng nhắc nhở QUÁ NHIỀU LẦN, nhắc nhở nhiều lần sẽ tạo thói quen cho con không lắng nghe lời cảnh báo đầu tiên.
Áp dụng nhân quả để dạy bài học về cuộc sống: không làm con thấy xấu hổ vì hành vi của chúng, và không dùng hình phạt thể xác. Không nói những câu như “mẹ thật thất vọng vì con”, thay vào đó giúp con nhận thức được rằng con đã có một sự lựa chọn chưa đúng, mặc dầu vậy con không phải là người xấu. Hình phạt mà con phải chịu thường là một loại hậu quả tự nhiên hợp lý, ví dụ nếu con từ chối tắt trò chơi đúng giờ thì con sẽ không được chơi trong 24 giờ tới.
Sử dụng phần thưởng: Để tạo động lực cho con, nhưng không phải HỐI LỘ con bằng quà. Thay vào đó, khi con đang có một số vấn đề về hành vi, ba mẹ áp dụng kế hoạch để điều chỉnh hành vi cho con. Một cậu bé 12 tuổi quên mang bài tập từ trường về nhà, ba mẹ bắt đầu lập một kế hoạch điều chỉnh. Với mỗi bài tập mang về nhà, cậu sẽ kiếm được một tấm thẻ. Những tấm thẻ có thể đổi lấy phần thưởng lớn hơn, chẳng hạn chuyến đi chơi công viên, hoặc một dịp tụ tập với bạn bè.
Cho con có quyền lựa chọn: Bắt đầu từ một số việc nhỏ. Những đứa con được trao quyền lựa chọn sớm sẽ dễ đưa ra quyết định lớn hơn trong cuộc đời sau này. Hãy chân thành hỏi “Con muốn ăn đậu Hà Lan hay bắp?” hoặc “Con muốn dọn phòng trước hay sau bữa tối?” Lưu ý, lựa chọn thực sự không phải là ép buộc dưới lốt dân chủ, kiểu như “Con ăn hết đi hoặc mẹ sẽ không chơi với con nữa!”
Cân bằng giữa tự do và trách nhiệm: Kỳ vọng con cái chịu trách nhiệm cho những gì chúng làm, và chuẩn bị cho con những thứ sẽ giúp con thành công. Nếu con đang gặp rắc rối vì một hành vi nào đó, hãy lập một kế hoạch để hỗ trợ cho những cố gắng của con, giúp con độc lập hơn, và rồi không gặp rắc rối với hành vi đó nữa. Ba mẹ cung cấp sự hỗ trợ, tuyệt đối không để con phụ thuộc bằng cách bảo con phải làm gì. Theo thời gian, con sẽ ngày càng tự chủ và có tinh thần tự kỷ luật. Nếu con thường quên đồ đạc mỗi ngày đến trường, ba mẹ sẽ giúp tạo một danh sách những vật dụng cần mang, rồi mỗi sáng sớm ba mẹ yêu cầu con tự kiểm tra theo danh sách này.
* Trích từ sách "Hạnh phúc dẫn lối Thành công" viết bởi Ngọc Bùi, Kim Chi, Minh Thành.
* Bắt đầu tìm hiểu Giáo dục tích cực với khoá học https://www.heary.edu.vn/giao-duc-dua-tren-diem-manh
Comments