top of page

Giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói như vậy.

Nhưng khoan chưa nói tới thế giới khi mà chúng ta chắc đều còn đang trăn trở vế trước đã, chưa có điều kiện cần thì khoan nói về điều kiện đủ. Tôi có hạnh phúc không có lẽ là điều đầu tiên mỗi chúng ta suy nghĩ. Đã bao giờ thầy cô tự đặt ra cho mình câu hỏi “Tại sao tôi lại quyết định trở thành nhà giáo? Làm nghề này tôi có hạnh phúc?”. Với nhiều người, làm nhà giáo là một sự lựa chọn, không phải bản năng. Với nhiều người khác, đây là nghề chọn người. Tôi thì chưa từng nghĩ làm nhà giáo thì quang vinh hơn hay hạnh phúc hơn nghề khác, tôi trải nghiệm rằng làm nhà giáo thì vất vả vô cùng và cũng ấm áp vô cùng.


Mỗi một nghề có kèm theo một nghiệp. Nghiệp của nghề giáo là nặng nề, bởi vì thầy cô đối mặt với những tâm hồn trong trắng, sạch sẽ và háo hức chờ đón nhất, có đôi chút sơ sẩy cũng dễ dàng ảnh hưởng đến các con. Nhưng nghề giáo cũng đem đến những thiện lành sâu sắc, các thầy cô sẽ được hưởng những hạnh phúc ấm áp mà không ở trong nghề khó lòng hiểu được. Những tháng ngày covid này, hiếm hoi có nhà nào dám mạnh miệng tuyên bố là chúng tôi dạy con ngon lành không một lời la mắng, con chúng tôi được vui vẻ 100%? Đằng sau những cơn nóng giận và bức bối đến từ cả hai phía, ba mẹ chắc sẽ thấy rằng làm người dạy thực sự không đơn giản và làm người học cũng nhiều gian truân.


Dù có thể khi covid qua đi là nhiều người chúng ta sẽ tự động cố gắng hành động theo cách nào đó để rửa trôi những ký ức này, như là cách chúng ta tụ tập chen chúc check in không giãn cách khi tàu điện trên cao Hà Nội chạy thử nghiệm dù vừa trải qua thời gian dài được khuyến cáo về dịch bệnh, nhưng dù sao, ở bên trong tiềm thức của nhiều người chắc hẳn sẽ có đổi thay. 20/11 năm nào cũng thế, sẽ lại ngập tràn hoa và lời chúc có cánh trên FB thôi. Nhưng chúng tôi mong rằng mỗi cha mẹ góp một chút sức lực cùng giáo dục con mình để ủng hộ thầy cô. Chúng tôi cũng mong rằng mỗi thầy cô tự hiểu thêm về bản thân mình và nghề nghiệp của mình, để đi qua thời gian khổ ải này, đi tiếp về phía chân trời.


Sau cơn mưa trời sẽ sáng, mong là ở một ngày không xa. Cuốn sách HẠNH PHÚC DẪN LỐI THÀNH CÔNG đặc biệt dành riêng phần chính cho các thầy cô giáo với 13 bài tập thiết thực để thầy cô tự nhìn nhận lại chính mình, yêu lại chính mình. Được yêu thương sẽ tạo thêm hạnh phúc, tự yêu thương là hạnh phúc đầu tiên. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi tặng các thầy cô 4 bài tập để yêu lại chính mình.


ĐẾM NHỮNG PHƯỚC LÀNH

Mỗi tuần bạn hãy chọn một ngày cố định, vào một khoảng thời gian cố định (ví dụ tối thứ bảy), hãy ngồi xuống, rồi hít vào - thở ra, để cho tâm trí của mình thật nhẹ nhàng và thư thái.

Cuối cùng, hãy ghi lại ba điều tốt đã xảy ra trong tuần vừa qua đối với bạn. Và bài tập này bạn hãy thực hiện liên tục trong tám tuần để đạt kết quả tốt nhất.

Khi nghĩ về ba điều tốt, hãy hướng tâm trí của mình tập trung vào các câu hỏi sau:

(1) Những điều tốt này là gì?

(2) Tôi đã nhận được những gì?

(3) Tôi đã cho đi những gì?

(4) Tôi đã cảm thấy như thế nào khi nhận được/ cho đi những điều tốt này?

(5) Tôi có thể làm được gì hơn nữa để nhân rộng những điều tốt lành này trong tương lai?

Trong một nghiên cứu thực nghiệm đa văn hóa năm 2010, học giả Chan đã cho những giáo viên Trung Quốc dành ra tám tuần để làm bài tập Đếm những phước lành này. Kết quả là, sau tám tuần các giáo viên báo cáo rằng họ cảm thấy BIẾT ƠN nhiều hơn, giảm thiểu CĂNG THẲNG và cảm thấy cuộc đời CÓ Ý NGHĨA hơn. Cuốn nhật ký sẽ không chỉ là nơi để bạn thực hành ghi chép, nó sẽ còn trở thành nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp, những ký ức lấp lánh của lòng tốt, để mà mỗi khi bạn cần dùng đến thì những điều tốt đẹp ấy vẫn hiện diện ở đó, như một vốn sống quý báu bạn lưu giữ mãi trong hành trình cuộc đời này. Hãy thực tập bài tập này hàng tuần, để nhận ra rằng “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một nhành mai”.


LÀM TRẮC NGHIỆM ĐIỂM MẠNH

Để nhận biết được 24 điểm mạnh của bạn đang sắp xếp theo thứ tự như thế nào, hãy truy cập vào website sau, đăng ký tài khoản và làm theo hướng dẫn để nhận về của bài Đánh giá 24 điểm mạnh nhân cách.

Quy trình bao gồm:

Bước 1: Truy cập https://bit.ly/3gMXIzR

Bước 2: Ấn vào phần “Select Language” và chọn “Tiếng Việt” ở giữa màn hình.

Bước 3: Đăng ký tài khoản để đăng nhập vào bài khảo sát

Bước 4: Chọn bài khảo sát “Dành cho người từ 18 tuổi trở lên”.

Bước 5: Hoàn thành bảng khảo sát và nhận kết quả.

Bảng kết quả sẽ trình bày đầy đủ thứ tự 24 điểm mạnh nhân cách của bạn. Những điểm mạnh đầu tiên được V.I.A gọi là “điểm mạnh tự nhiên trong bạn”, nghĩa là bạn có xu hướng bộc lộ những điểm mạnh này một cách tự nhiên mà không cần cố gắng, nó đã có sẵn trong con người bạn một cách mạnh mẽ rồi. Ngược lại, những điểm mạnh ở phần dưới cùng là “điểm mạnh cần được bồi dưỡng”, nghĩa là những điểm mạnh này tuy rằng vốn đã có trong bản thân bạn nhưng để bộc lộ chúng ra và sử dụng thì bạn cần rèn luyện thêm.


NÂNG CAO KIÊN CƯỜNG BẰNG LƯỢC ĐỒ 4S

Bộ công cụ The Resilience Plan (The Four S’s) này được tạo ra bởi Tiến sĩ Lucinda Poole và Tiến sĩ Hugo Alberts, bao gồm 4 chiến lược chính là:

● Nguồn hỗ trợ [Supports]: Những nguồn lực nào đã giúp bạn vượt qua khó khăn, trắc trở trong quá khứ và sẽ có thể tiếp tục bảo vệ bạn trong tương lai.

● Chiến lược [Strategies]: Bạn đã sử dụng chiến lược nào để đối mặt và vượt qua những mất mát, nỗi đau, trở ngại trong quá khứ? Những chiến lược này hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng.

● Tia sáng thông tuệ [Sagacity]: Bạn đã vận dụng những tri thức nào trong quá khứ để vượt qua những trở ngại. Ví dụ, một câu nói của triết gia yêu thích chính là “tia sáng thông tuệ" giúp bạn đi qua những ngày tháng khó khăn ấy.

● Tìm kiếm giải pháp [Solution-seeking]:


Những giải pháp nào bạn đã tìm ra và sử dụng trong quá khứ, liệu nó có thể tiếp tục sử dụng ở tương lai hay không?

Bước 1: Nhớ lại một ví dụ gần đây về sự kiên cường của mình, mô tả ngắn gọn về khó khăn ấy

Bước 2. Xác định những nguồn hỗ trợ, viết ra người mà bạn đã kêu gọi hỗ trợ.

Bước 3. Xác định chiến lược, ví dụ, bạn đã ngồi thiền, hoặc viết nhật ký về lòng biết ơn, đi dạo, hay nghe một bài hát yêu thích?

Bước 4. Xác định “tia sáng thông tuệ”, nó có thể đến từ lời bài hát, tiểu thuyết, thơ ca, tác phẩm tâm linh, danh ngôn của người nổi tiếng, câu nói của ông bà hoặc kinh nghiệm của chính bản thân bạn trong quá khứ.


VIẾT BỨC THƯ BIẾT ƠN

Viết bức thư của lòng biết ơn là một bài tập nổi tiếng trong Tâm lý học Tích cực được áp dụng xuyên suốt các nền văn hóa trải dài từ Mỹ, Anh, Úc đến Trung Quốc, Thái Lan… cho rất nhiều đối tượng, trong đó có giáo viên.


Hoạt động này sẽ giúp bạn tìm về với những người mà bạn yêu thương, những mối quan hệ mà bạn trân trọng, và những khoảnh khắc mà bạn ghi nhớ. Hãy nghĩ về một người mà bạn cảm thấy thật BIẾT ƠN, người đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của bạn, người đã yêu thương bạn vô điều kiện.


Hãy viết bức thư này gửi tới người đó, nói về cách mà người đó đã thay đổi cuộc đời của bạn và bạn đã cảm thấy mình may mắn biết bao khi được ở bên họ. Nếu có thể (tốt nhất) hãy gửi bức thư này đến người mà bạn chọn, hoặc đọc lá thư cho người đó nghe. Hãy tập trung vào câu chuyện và cảm xúc thực sự bên trong bạn, đừng đuổi theo sự cầu toàn trong ngôn từ và hình thức trình bày.


*Nguồn: FB Nguyễn Giang Linh

* Để có nhiều hơn những kiến thức và gợi ý thực hành, bạn hãy tham khảo các link sau:

** KHÓA HỌC ONLINE "GIÁO DỤC DỰA TRÊN ĐIỂM MẠNH"

** https://www.heary.edu.vn/giao-duc-dua-tren-diem-manh ** Sách "Hạnh phúc dẫn lối thành công": https://bit.ly/300kDF9

66 views0 comments

Comments


bottom of page